bn5
bn2
B3
B4
B1

Tin tổng quát

Bình Thuận và mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

222 Đã xem
File đính kèm: Tải file Xem file
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã luôn quan tâm đẩy mạnh công tác chỉ đạo triển khai thực hiện chuyển đổi số tại địa phương với quan điểm chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trọng tâm, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số với tên gọi tiếng Anh là Digital Transformation là việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của nền công nghệ kỹ thuật để giải quyết các vấn đề.

Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã nêu: Dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, học máy sâu, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật,...), chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số, Chính phủ điện tử. Đặc biệt, chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số.

Xác định chuyển đổi số là xu thế và yêu cầu tất yếu khách quan, tác động
ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Thời gian qua, Bình Thuận đã xây dựng và phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận, phiên bản 1.0 đảm bảo yêu cầu, đồng bộ theo tinh thần hướng dẫn Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông; xây dựng và đưa vào hoạt động Trục kết nối liên thông, chia sẻ, trao đổi dữ liệu quy mô cấp tỉnh_ESB (dự án thành phần Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh) theo hình thức thuê dịch vụ nhằm triển khai kết nối liên thông và tích hợp dữ liệu 2 hệ thống: phần mềm quản lý văn bản và điều hành và Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến ở 4 cấp: Chính phủ - tỉnh - huyện - xã; xây dựng và phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Đối với việc xử lý hồ sơ trên môi trường mạng: triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành, gắn với ứng dụng chữ ký số, đến nay hầu hết các văn bản trên địa bàn tỉnh đều tiếp nhận, chuyển xử lý, xem xét phê duyệt và phát hành được xử lý khép kín trên môi trường mạng (trừ văn bản mật); Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh đã triển khai phần mềm ảo hóa và điện toán đám mây theo công nghệ mã nguồn mở để quản lý và tối ưu hóa hạ tầng máy chủ và thiết bị mạng...Tuy nhiên, nhìn chung kết quả ứng dụng công nghệ thông tin nói chung vẫn còn hạn chế, mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt còn thấp so với chỉ tiêu đề ra[1].

Để đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, ngày 18/3/2022, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh về mục tiêu chung đó là chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện về phương pháp, cách thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, quản trị nhà nước, doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân thông qua chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn. Bên cạnh đó cũng xác định các mục tiêu cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với phát triển chính quyền số

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh ta phấn đấu đạt mục tiêu:

100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); Tỷ lệ dữ liệu số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 70%; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh được thực hiện qua hệ thống thông tin báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Đến năm 2030, phấn đấu: 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); Tỷ lệ dữ liệu số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 90%; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% cơ quan Đảng, Nhà nước cấp tỉnh có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

Thứ hai, đối với phát triển kinh tế số

Đến năm 2025 tỉnh ta phấn đấu đạt mục tiêu: Kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng nền tảng chuyển đổi số đạt 75%.

Đến năm 2030 tỉnh Bình Thuận phấn đấu: Kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; Tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng nền tảng chuyển đổi số đạt 90%.

Thứ ba, đối với phát triển xã hội số

Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 của tỉnh ta đó chính là: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 80% hộ gia đình, trường học, bệnh viện; Tỷ lệ phổ cập dịch vụ mạng băng rộng di động 4G/5G đạt 100%; Tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt 50%; Tỷ lệ dân số có danh tính số đạt 100%; Tỷ lệ người dân từ 14 tuổi trở lên có khả năng sử dụng các kỹ năng số cơ bản đạt 70%.

Đến năm 2030 phấn đấu: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 100% hộ gia đình, trường học, bệnh viện; Tỷ lệ phổ cập dịch vụ mạng băng rộng di động 4G/5G đạt 100%; Tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%; Tỷ lệ người dân từ 14 tuổi trở lên có khả năng sử dụng các kỹ năng số cơ bản đạt 90%.

Gần đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng đã thực hiện kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận. Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban, có 2 Phó Trưởng ban và hơn 20 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.

Để có thể đạt mục tiêu đã đề ra, thiết nghĩ trong thời gian tới, tỉnh ta cần tiếp tục quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng các giải pháp đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; Đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và các lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số; Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số.

Sự phát triển của cách mạng 4.0 đang có nhiều tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số là một xu thế tất yếu của mọi quốc gia. Chuyển đổi số chính là cơ hội để Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nền kinh tế, vì thế nhận thức đúng vai trò của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề quan trọng nên việc xác định các mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là một điều cần thiết, phù hợp, làm cơ sở để thực hiện nhanh chóng, hiệu quả chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực ở tỉnh ta hiện nay./.

Phòng KHTH 

Thông báo
Top